Việt Nam là quốc gia xuất siêu sang Mỹ lớn nhất trong số các nước Đông Nam Á. Mỹ đứng thứ 10 trong 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Theo ông Gilbert Kaplan - Thứ trưởng đặc trách Thương mại Quốc tế, Phòng thương Mại Mỹ, trong thập niên qua, hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam tăng 200%.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước năm 2017 đạt 55 tỷ USD, gấp 7 lần so với năm 2005. Tuy nhiên, mức thâm hụt trong cán cân thương mại Mỹ - Việt Nam năm 2017 đứng thứ 5, tăng một bậc so với năm 2016.
Thông tin trên được ông Gilbert Kaplan chia sẻ tại Hội nghị Thượng đỉnh về tương lai mối quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Mỹ 2018 diễn ra vào sáng 10/9.
Hội nghị Thượng đỉnh về tương lai mối quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Mỹ 2018. Ảnh: Đức Quỳnh
"Việt Nam là quốc gia xuất siêu sang Mỹ lớn nhất trong số các nước Đông Nam Á. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump luôn nhấn mạnh vấn đề thương mại tự do và công bằng", ông Gilbert Kaplan nói.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác. 6 Tháng đầu năm 2018, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt 27,4 tỷ USD. Nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ tăng 20%.
"Vì vậy, Mỹ không cần phải quá lo ngại Việt Nam xuất siêu mà cán cân thương mại khả năng sẽ ngày càng cân bằng hơn, đáp ứng được kỳ vọng của cả hai nước", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin thêm, các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước ngày càng bổ trợ cho nhau. Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may, nông sản sang Mỹ thì ở chiều ngược lại, Mỹ xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao sang Việt Nam.
Trong chuyến viếng thăm của Tổng thống Donald Trump sang Việt Nam năm 2017, hai bên đã chứng kiến việc ký kết trong hoạt động thương Mại Mỹ - Việt Nam trị giá 20 tỷ USD, trong đó, 11 tỷ USD Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam.
Tại triển lãm hàng không thế giới Farnborough Airshow 2018 diễn ra hồi tháng 7, Vietjet Air và Boeing đã ký hợp đồng trị giá 12,7 tỷ USD mua 100 máy bay B737 MAX trị giá gần 13 tỷ USD.
Ngày 25/6, hãng hàng không Bamboo Airways và Tập đoàn Boeing của Mỹ đã ký kết thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner, hợp đồng này trị giá 5,6 tỷ USD.
Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng nhận định kết quả hợp tác vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai bên đồng thời khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, Việt Nam có thế mạnh về nguồn nhân lực dồi dào, chính trị ổn định, và Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng.
Việt Nam mong muốn Mỹ đầu tư nhiều lĩnh vực hơn nữa trong đó có năng lượng tái tạo, dầu khí, phát triển đô thị, đào tạo nhân lực, phát triển công nghiệp công nghệ cao…
Tính đến hết tháng 6, Mỹ có 877 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 9,37 tỷ USD, đứng thứ 10 trong 128 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Ông Gilbert Kaplan, cho rằng cần phải giải quyết các vấn đề cản trở thương mại giữa hai bên nhằm thúc đẩy việc hợp tác.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.