Wednesday, September 26, 2018

Giảng viên đại học khởi nghiệp muộn với thiết bị bọt tuyết phục vụ việc rửa xe

Đam mê sáng chế đã dẫn lối thầy giáo Nguyễn Trường Sơn khởi nghiệp muộn với thiết bị bọt tuyết mới lạ, ưu việt.
Tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, Nguyễn Trường Sơn từng công tác cho một số công ty cơ khí hóa chất. Sau đó, ông lấn sân sang mảng xuất nhập khẩu tại Mitsubishi, Siemens. Khi lớn tuổi, ông về làm giảng viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh – Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Nguyễn Trường Sơn - nhà sáng lập Công ty TNHH thiết bị bọt tuyết An Thinh Phát.
Một dịp tình cờ thấy thợ rửa xe sử dụng bọt tuyết trắng xóa, Trường Sơn thích thú vô cùng. Quyết định tìm hiểu sâu hơn về các sản phẩm trên thị trường, ông nhận thấy, máy bọt tuyết là thiết bị quen thuộc, không thể thiếu trong dịch vụ rửa xe gắn máy, ô tô. Tuy nhiên, hầu hết sản phẩm trên thị trường Việt Nam đều nhập khẩu từ nước ngoài.
Những nghiên cứu của thầy Sơn chỉ ra rằng, thiết bị của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan đều sử dụng nguyên lý nén khí trong bình với áp lực mạnh, nguy hiểm cho người sử dụng. Những sản phẩm của Mỹ có công nghệ tiên tiến hơn nhưng giá rất cao. Ý tưởng sáng chế máy bọt tuyết cải tiến nhen nhóm từ đó.
Trường Sơn thành lập An Thịnh Phát vào tháng 3/2017, để đưa sản phẩm ra thị trường. Công ty chuyên sản xuất các thiết bị tạo bọt tuyết như máy tắm tạo bọt tuyết, bình xịt nano bạc tẩy rửa các vật dụng. Theo nhà sáng lập, chất tẩy rửa ưu việt được nhập khẩu từ châu Âu, nano bạc có tính diệt khuẩn cao không gây độc hại cho người tiêu dùng.
Giá bán trung bình của bình xịt An Thịnh Phát là 65 nghìn đồng/chai, rẻ hơn so với các mặt hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Đến nay, công ty bán được 500/1.800 chai xịt vì sản phẩm còn khá xa lạ với người tiêu dùng. Nhà sáng lập tự tiếp thị, quảng bá sản phẩm.
giang vien dai hoc khoi nghiep muon voi thiet bi bot tuyet phuc vu viec rua xe
Sản phẩm bình xịt bọt tuyết rửa xe Gấu Tuyết của An Thịnh Phát.
Mang tâm lý "Lưu Bị tìm quân sư", ông chủ An Thịnh Phát tham gia gọi vốn 5 tỷ đồng trong Shark Tank Việt Nam. Nhưng may mắn không mỉm cười khi 5 nhà đầu tư đều "lắc đầu" trong vòng thương thuyết.
Trường Sơn cảm thấy thất vọng khi "cá mập" không đầu tư vào sản phẩm bọt tuyết tiềm năng. Do giới hạn thời lượng chương trình nên thay vì trình bày tất cả phương án kinh doanh để họ hiểu rõ, ông chỉ tập trung nhấn mạnh lợi thế của công nghệ khi ra thị trường.
Cựu giảng viên cho rằng, một start-up đã hoàn thiện sản phẩm, thị trường tốt không nên kêu gọi vốn bởi dòng tiền sẽ quay về để họ duy trì hoạt động kinh doanh. Những công ty khởi nghiệp vẫn đang trong giai đoạn đầu tư, doanh thu, lợi nhuận chưa tốt mới cần giúp đỡ.
"Tôi rất ngạc nhiên vì không có lời đề nghị rót vốn nào dù là nhỏ nhất mà chỉ toàn những cái lắc đầu từ nhà đầu tư", ông thổ lộ.
Mặc dù khởi nghiệp muộn, nhưng trên tinh thần đam mê sáng tạo, ông chủ An Thịnh Phát vẫn đang tiếp tục theo đuổi, phát triển những thiết bị bọt tuyết khác và tham gia những cuộc thi khởi nghiệp khác.
"Tôi sẽ viết chuỗi sách về câu chuyện thầy giáo già khởi nghiệp. Cuốn đầu tiên sẽ là hành trình gọi vốn, cuốn tiếp theo có thể là vương quốc bọt tuyết và cuối cùng sẽ là chuyển giao thế hệ", ông Sơn cho hay.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.