Theo ghi nhận của PV Dân Việt, những ngày gần đây giá heo hơi (lợn hơi) liên tục tăng tại nhiều địa phương, trong đó giá lợn hơi tại miền Bắc hiện đang cao nhất cả nước, bình quân từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Các tỉnh miền Trung, miền Nam giá thấp hơn, song cũng giao dịch từ 48.000 - 53.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi miền Bắc cao nhất cả nước
Theo ghi nhận mới nhất từ các chủ trang trại, người chăn nuôi, hiện giá heo hơi xuất chuồng tiếp tục tăng nhẹ ở một số địa phương. Đơn cử như tại Hưng Yên, chỉ tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá xuất bán lợn hơi thương phẩm ở các trang trại đã tăng từ 50.000 – 51.000 đồng/kg lên 54.000 đồng/kg. Một số người chăn nuôi dự báo giá heo lợn hơi sẽ vẫn có xu hướng tăng do nguồn cung không còn nhiều.
Do nguồn cung khan hiếm, thương lái hỏi mua liên tục nên giá lợn hơi tại miền Bắc hiện đang giữ mức cao nhất cả nước, dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ: I.T
Anh Nguyễn Văn Tiến – chủ trang trại ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết: "Hiện trên địa bàn huyện Khoái Châu, lượng lợn trong dân còn rất ít. Đối với lợn siêu đẹp mã, tỷ lệ nạc cao được thương lái trả giá 55.000 đồng/kg".
Trong khi đó, anh Nguyễn Công Bắc – chủ trang trại lợn quy mô 800 nái, 5.000 lợn thương phẩm ở TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) cho biết: Giá lợn hơi tại địa phương hiện đạt 54.500- 55.000 đồng/kg đối với heo siêu đẹp, tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước. Thương lái hỏi mua liên tục bởi nguồn cung khan hiếm, trên địa bàn, số trang trại lớn như gia đình tôi hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đây cũng là khu vực có giá lợn hơi cao nhất cả nước.
Một chủ trang trại ở Sen Chiểu (Phúc Thọ - Hà Nội) thông tin: Hiện giá các công ty lớn đang chốt cho thương lái tăng 500 đồng so với đầu tuần, hiện dao động từ 54.000 - 54.500 đồng/kg, còn giá tại các trang trại của người nuôi nhỏ lẻ dao động từ 52.000 - 55.500 đồng/kg.
Một số khu vực khác giá heo hơi cũng tăng nhẹ so với đầu tháng 9, như Tuyên Quang 52.000 - 54.000 đồng/kg, Thái Nguyên 52.000 - 53.000 đồng/kg; Yên Định (Thanh Hoá), Nghệ An hiện cũng ở mức 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Giá heo hơi các tỉnh miền Nam giữ ở mức cao
Từ đầu tuần đến nay, các tỉnh thuộc miền Nam tiếp tục giữ xu hướng ổn định về giá bán. Nhiều địa phương giá chỉ thay đổi từ 500 đồng/kg đến 1.000 đồng/kg. Trong đó tỉnh Bến Tre tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với đầu tháng 9, lên 52.000 đồng/kg.
Thương lái thu mua heo tại một trang trại chăn nuôi. Ảnh: baonghean
Tại Đồng Nai, giá heo hơi vẫn đang duy trì mức tốt do Công ty C.P Đồng Nai đã tăng giá bán tại trại lên 500 đồng/kg so với vài ngày trước. Hiện giá heo hơi xuất chuồng tại các trại của doanh nghiệp này đạt 52.500 đồng/kg, trong khi đó giá heo hơi tại các trại chăn nuôi của người dân dao động từ 50.000 - 53.500 đồng/kg. Đây cũng là mức giá tốt được duy trì suốt từ tháng 8 đến nay.
Theo thông tin từ Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, nhằm góp phần phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF), công ty này vừa hỗ trợ Cục Thú y hóa chất chẩn đoán ASF bằng phương pháp realtime PCR và bộ kit test kiểm tra nhanh phát hiện kháng nguyên ASF.
TS.BS thú y Đinh Xuân Phát (Bộ môn Công nghệ Sinh học - Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho biết, để chủ động phòng tránh bệnh dịch tả lợn châu Phi nguy hiểm, người chăn nuôi cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật. Đó là, không mua heo từ nhiều nguồn mà mình không biết chất lượng, nguồn dịch bệnh có hay không.
Thứ hai, cần tăng cường vệ sinh sát trùng.
Thứ ba, phải ngăn chặn, tiêu diệt những đối tượng truyền bệnh như chuột, chim trời, ve mềm.
Thứ tư, phải ngăn cản sự tiếp xúc của người nông dân đối với nguồn heo có khả năng nhiễm bệnh, người chăn nuôi không nên trực tiếp đi mua thịt heo, và nếu đi mua thì cần phải sát trùng trước và sau khi ra khỏi trang trại.
Đối với các trang trại cần phải có hố sát trùng và phải nhúng chân trong hố sát trùng ít nhất 40 giây. Đối với xe vận chuyển đi từ ngoài về, trước khi vào trang trại đều phải sát trùng và sát trùng ở tất cả các vị trí trên xe, kể cả vị trí ngồi, chân ga, bánh xe, gầm xe. Đối với nguồn nước cũng phải sát trùng. Nên tạo các bể chứa và sử dụng Clo để diệt khuẩn, chờ Clo lắng đọng và bay hơi trong vòng 2 ngày thì cho heo uống.
Khi có dịch xảy ra, cần khoanh vùng dịch và tiến hành tiêu hủy. Tiêu hủy sẽ là biện pháp tốt nhất bởi con virus này có khả năng tồn tại trong xác chết hoặc trong thịt lâu ngày từ 6 tháng đến 5 năm. Nếu chôn heo bệnh, thì cần chôn sâu ít nhất 2m để tránh những con vật hoang đào bới lên sẽ phát tán mầm bệnh.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.