Tuesday, September 25, 2018

Cảnh báo lạm dụng kháng sinh chăn nuôi

Giá heo cao vọt, người chăn nuôi rất sợ heo bệnh, chỉ cần một vài con trong chuồng khò khè bỏ ăn là chủ trại mất ăn mất ngủ, tìm cách chích hoặc liên tục trộn kháng sinh vào thức ăn cho tất cả đàn với tâm lý phòng ngừa ăn chắc!
Đủ loại kháng sinh
Chúng tôi tìm đến xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, tại đây đang có vài chục trang trại nằm xen lẫn trong vườn cao su với quy mô nuôi bình quân 200 - 300 con heo/trại. Ông Lê Huỳnh, ở ấp Bàu Cỏ đang nuôi 50 heo nái và 300 heo thịt cho biết, giá heo cao ở mức trên 50 ngàn đồng/kg nên tâm lý người nuôi thoải mái hơn trong việc sử dụng thuốc thú y mà chủ yếu là kháng sinh chích và bột (dùng trộn với thức ăn chăn nuôi) nhằm phòng bệnh cũng như điều trị cho heo.
Người lao động chích thuốc kháng sinh cho heo do có dấu hiệu bỏ ăn ở trang trại ông Lê Huỳnh ở ấp 3, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương
"Thông thường, heo nuôi trong giai đoạn trọng lượng từ 20kg đến 50kg (kéo dài 2 tháng), dù có dấu hiệu bệnh hay không thì gần như tất cả các trại đều trộn kháng sinh vào thức ăn để phòng ngừa tiêu chảy, ho, bỏ ăn. Theo khuyến cáo nhà sản xuất, 1kg thuốc (bột) kháng sinh trộn cho khoảng 3 tấn thức ăn, cứ sau 2 tuần mới trộn cho ăn một lần. Tuy nhiên, với giá hiện nay thì gần như tuần nào tôi cũng trộn thuốc, còn lúc heo bệnh thì mình vừa chích, vừa trộn với liều tăng gấp 2 - 3 lần so khuyến cáo", ông Huỳnh tiết lộ.
Ngay tại trại của ông Huỳnh, chúng tôi ghi nhận đủ loại thuốc kháng sinh được cất giữ trong nhà từ dòng trị nhiễm khuẩn, kháng viêm đến cả loại thuốc giảm đau, trong đó có trên chục loại kháng sinh vừa trộn vừa chích.
Kháng sinh trộn có Fencol, Tylosin, Amox, Flodoxy, Doxy, Oxytetra, Timicocin; kháng sinh chích có Linco spetin, Pharcolapi, Florject, Marbo, Coliflox... Với giá tiền mỗi lọ khoảng 300 ngàn đồng, cá biệt có loại kháng sinh đặc trị của Mỹ lên tới 1 triệu đồng/chai 100cc. Theo tính toán của ông Huỳnh, trước đây chi phí của trại ông sử dụng kháng sinh (trộn và chích) vào khoảng 150 - 200 ngàn đồng/con, trong đó phần lớn là chi phí cho kháng sinh trộn để phòng bệnh theo kiểu "điều trị duy trì", còn hiện theo dự toán cao gấp 2 lần so với trước.
Đáng chú ý, trong số sản phẩm kháng sinh chích, theo ghi nhận có loại hàm lượng kháng sinh rất cao, không chỉ đơn chất mà còn phối kết hợp kháng sinh khác trong cùng một sản phẩm. Đơn cử, Coliflox điều trị dịch tả có hai thành phần là Kanamycin và Colistin; sản phẩm Pharcolapi cũng có hai thành phần là Ampicillin và Colistin mà ngay cả chủ trại cũng không hề quan tâm thành phần, hàm lượng thế nào, miễn sao sản phẩm có hiệu quả sau khi chích phải "hạ gục nhanh", heo khỏe bình thường là được.
Theo ông Tạ Trọng Khang, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bình Dương, Thông tư 20/2017 của Bộ NN-PTNT hướng dẫn NĐ 39 của Chính phủ quy định việc sử dụng kháng sinh trong thức ăn (dạng gói bột trộn - PV) nhằm mục đích trị bệnh cũng như phòng bệnh cho gia súc, gia cầm là phải tuyệt đối theo đơn (toa thuốc) của BS thú y có chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật về thú y.
11-14-32_211-14-32_2_1
Đủ loại thuốc kháng sinh (thuốc trộn, chích) được trại chăn nuôi heo cất giữ
"Thực tế thì mỗi trại làm mỗi kiểu, chủ yếu là họ mua thuốc bột kháng sinh bên ngoài về tự trộn với thức ăn, thậm chí cũng tự chích mà chẳng cần đơn thuốc gì của BS thú y, khi thấy một vài con heo trong đàn có dấu hiệu lờ đờ, mệt mỏi. Hiện, giá heo cao và đứng thời gian khá lâu nên họ tăng cường sử dụng kháng sinh trộn vào thức ăn càng nhiều nhằm phòng bệnh cũng như với mục đích kích thích tăng trưởng", ông Khang chia sẻ.
Thoải mái sử dụng
Theo Thông tư 20 nói ở trên, thức ăn chăn nuôi kháng sinh phải ghi rõ tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngưng sử dụng trên bao bì hoặc tài liệu kèm theo.
Tuy nhiên, thực tế trên các sản phẩm này, ít ai để ý thấy hàng chữ chú thích thời gian bắt buộc phải ngưng sử dụng trước khi giết mổ. Nếu người chăn nuôi không có hiểu biết nhất định, tin theo quảng cáo của nhà sản xuất, kinh doanh thuốc thú y sẽ dễ dẫn đến lạm dụng, sử dụng vô tội vạ.
Bà Trần Hiếu Ngọc, chủ trại heo 500 con ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho hay, trại bà đang sử dụng hai loại kháng sinh, dạng bột hòa tan (pha với nước) và không hòa tan (trộn với thức ăn) đựng trong bịch 0,5-1 kg, giá bán cao hoặc thấp tùy nhóm thuốc, nhưng thấp nhất cũng không dưới 200 ngàn đồng/kg.
"Tháng 9 năm ngoái, giá heo hơi bình quân chưa đến 30 ngàn/kg, tụi tui phải hãm bớt thức ăn kể cả mấy loại kháng sinh nói trên để giảm tối đa giá thành. Nhưng tháng 9 năm nay, giá heo lên 53 ngàn đồng/kg, nói thật trại nào cũng vậy thôi, ai cũng xài kháng sinh vô tư, chẳng cần coi bao bì nhà sản xuất khuyến cáo thế nào, miễn sao heo đạt trọng lượng là được", bà Ngọc nói.
Theo ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng trạm Chăn nuôi Thú y huyện Trảng Bom, nơi có tổng đàn heo khoảng 270 ngàn con, hiện người chăn nuôi sử dụng kháng sinh không theo quy chuẩn nào cả, đặc biệt là không theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì, chủ yếu nghe theo cửa hàng bán thuốc hoặc dựa vào kinh nghiệm, người đi trước chỉ dẫn người sau.
11-14-32_3_1
Trong điều kiện chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi không có kháng sinh là không thể nuôi được
Điều đáng lo ngại khác, đó là việc hiện nay các Cty thức ăn chăn nuôi còn trộn lẫn kháng sinh vào chính trong sản phẩm của mình nhằm kích thích tăng trọng và phòng bệnh cho vật nuôi. Anh Thế Phong, một nhân viên kinh doanh của Cty Pro tiết lộ, có hãng thức ăn chăn nuôi còn bổ sung kháng sinh vào sản phẩm để kích thích vật nuôi tăng trọng nhanh, giảm thấp tiêu hao thức ăn, vật nuôi không bị bệnh, không bị tiêu chảy, để người chăn nuôi ưa chuộng và tin dùng. Hơn nữa, kháng sinh còn có tác dụng khác là bảo quản thức ăn lâu hơn, tiêu diệt vi sinh vật, tránh hư hỏng (!?).
Theo tìm hiểu của PV, ngay chính trên các bao bì thức ăn chăn nuôi bán trên thị trường, đặc biệt dành cho heo con đều có ghi thành phần chứa nhiều loại kháng sinh với các nồng độ khác nhau như Oxytetracyline, Penecilline, Tylosin, Chlotetracyline, Lincomycine, Polymicine. Ngoài ra, còn có các loại kháng sinh khác cũng đang sử dụng và được in hoặc dán tem hẳn hoi trên bao bì thức ăn như: Colistin, Halquinol, Thiamphenicol, Amoxcycillin.
Như vậy, rõ ràng con heo đã và đang "ăn" kháng sinh từ 3 đường, đó là chích, trộn và cả thức ăn.
Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Đồng Nai, việc sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi thật sự là một vấn nạn, bởi người ta đang dùng một cách vô tội vạ. Đặc biệt, những người chăn nuôi nhỏ lẻ do kiến thức hạn chế, trong lúc heo giá cao, chỉ cần một, hai con bỏ ăn không rõ bệnh gì là lật đật chạy ra các cửa hàng thú y mua về chích liền. Nếu heo bệnh nặng thì ngoài chích thuốc liên tục, người nuôi còn trộn thêm kháng sinh vào thức ăn. Có nghĩa bằng mọi giá người ta "tống" các loại kháng sinh thật nhiều để đạt mục đích.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.