Năm 2017, hàng loạt diện tích chanh dây của người dân tại huyện Tân Châu bị nhiễm bệnh mà không có thuốc đặc trị. Không thể tiếp tục mạo hiểm đầu tư, ông Hưng đành phá bỏ toàn bộ diện tích chanh dây, chuyển sang trồng sầu riêng và măng cụt.
Nông dân tham quan vườn khóm tại xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu.
Việc chuyển đổi cây trồng có hiệu quả thấp sang các loại cây có giá trị kinh tế cao là phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030- trong đó, chủ trương giảm diện tích cao su, mì, mía, đất lúa 1 vụ kém hiệu quả sang trồng rau và cây ăn trái. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cây trồng cần đồng bộ, khoa học và bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Nhiều cây trồng mới
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp đang chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần các loại cây trồng truyền thống sang phát triển cây ăn trái, rau quả. Tỉnh cũng đã thu hút được một doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến rau, quả, cây ăn trái hiện đại, có công suất 500 tấn nguyên liệu/ngày. Dự kiến vào cuối năm 2018, nhà máy này sẽ đi vào hoạt động.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi trên 2.300 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao như nhãn, sầu riêng, mãng cầu, bưởi, mít, khóm, măng cụt, chôm chôm, cam, quýt... Nâng tổng diện tích chuyển đổi cây trồng từ năm 2016 đến nay khoảng 6.068 ha.
Trong đó, các loại cây được trồng mới nhiều nhất là nhãn (trên 4.176 ha), sầu riêng (trên 1.213 ha), mít (200 ha)… tập trung nhiều nhất ở các huyện Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu, đem lại giá trị tăng thêm từ 3-4 lần so với cây trồng truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ ấp Bình Hoà, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng) là một trong những nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây khóm. Ông Sáu cho biết, trồng lúa có khi mất mùa - được giá, được giá - mất mùa, nông dân còn bị thương lái ép giá nên không lời bao nhiêu.
Trong khi đó, cây khóm có nhà máy tiêu thụ, bao tiêu sản phẩm. Nếu chăm sóc tốt, lợi nhuận thu được khoảng 80 triệu đồng/ha/năm. Theo ông Sáu, chi phí đầu tư cho cây khóm từ khi trồng đến khi thu hoạch (14-15 tháng) khoảng 100 triệu đồng/ha.
Sang đến vụ thứ 2, cứ 4 tháng khóm sẽ cho thu hoạch 1 lần. Ông đã ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy Tanifood (xã Thạnh Ðức, huyện Gò Dầu) với diện tích 200 ha. Ðến nay, ông đã trồng khoảng 23 ha, được hơn 5 tháng và đang chuẩn bị trồng trên diện tích còn lại.
Ông Trần Văn Hưng (ngụ ấp Ðông Hà, xã Tân Ðông, huyện Tân Châu) hiện đang trồng chanh dây ở huyện Tân Châu. Ông cho hay, chanh dây mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây ăn trái ngắn ngày khác.
Ngoài giá bán ổn định, người trồng cũng không quá lo lắng về đầu ra, bởi không chỉ có thương lái tìm đến vườn thu mua mà nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm cũng tìm đến bao tiêu, ký hợp đồng tiêu thụ.
Ban đầu, ông Hưng chỉ chuyển đổi 2 ha cao su sang chanh dây. Lúc này, giá chanh dây khoảng 15.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi ha sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận đến 500 triệu đồng/năm. Thấy chanh dây cho thu nhập "khủng", ông Hưng tiếp tục đầu tư chuyển đổi 10 ha cao su sang trồng chanh dây.
Tuy nhiên, năm 2017, hàng loạt diện tích chanh dây của người dân tại huyện Tân Châu bị nhiễm bệnh mà không có thuốc đặc trị. Không thể tiếp tục mạo hiểm đầu tư, ông Hưng đành phá bỏ toàn bộ diện tích chanh dây, chuyển sang trồng sầu riêng và măng cụt.
Tương tự, theo anh Nguyễn Thanh Cường (ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên), trước đây, gia đình anh trồng 20 ha chanh dây và ký hợp đồng bao tiêu với Công ty Lavifood. Vốn đầu tư trồng chanh dây khá lớn, hơn 200 triệu đồng/ha.
Hai năm trước, chanh dây đã cho thu hoạch vụ đầu tiên, năng suất đạt 10 tấn/ha và được Công ty Lavifood thu mua với giá 8.000 đồng/kg. Anh Cường cho rằng mức giá này quá thấp, người trồng chưa có lợi nhuận. Anh Cường tìm thị trường khác để tiêu thụ, trong đó có xuất khẩu sang Trung Quốc với giá 15.000 đồng/kg.
Ðến vụ thứ 2, chanh dây bị nhiễm bệnh và trái không đạt chất lượng nên gặp khó khăn về đầu ra. Nhiều người trên địa bàn huyện Tân Biên- nhất là tại xã Thạnh Bắc đã phá bỏ chanh dây để chuyển sang cây trồng khác. Riêng anh Cường đã phá 10 ha và chuyển sang trồng các loại cây trồng khác.
Anh Cường chuyển sang trồng thử nghiệm khóm và đã cho thu hoạch. Khóm được Công ty Lavifood ký hợp đồng tiêu thụ với 3 mức giá: loại 1 (trên 1kg) giá 6.000 đồng/kg, loại 2 (từ 0,6kg - 1kg) giá 4.300 đồng/kg, loại 3 (dưới 0,6kg) giá 3.000 đồng/kg.
Do hợp thổ nhưỡng nên khóm cho chất lượng trái tốt và hầu hết được thu mua ở mức giá loại 1. Anh Cường so sánh, 1 ha khóm hiện tại có lợi nhuận cao gấp 2 lần so với cây mía. Thời gian tới, anh Cường sẽ mở rộng quy mô diện tích trồng khóm lên 10 ha và tiếp tục ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty Lavifood.
Anh Cường hy vọng, lần chuyển đổi sau sẽ mang lại thành công hơn.
Chưa bảo đảm vùng trái cây nguyên liệu
Ông Ðinh Hùng Dũng- Phó tổng Giám đốc Công ty Lavifood cho biết, từ tháng 6.2017, công ty đã bắt đầu thu mua trái cây tại Tây Ninh để làm nguyên liệu cho nhà máy tại Long An. Tính đến cuối tháng 7.2018, công ty đã thu mua được gần 850 tấn trái cây, gồm khoảng 616 tấn chanh dây và 233 tấn khóm. Giá thu mua chanh dây "xô" là 8.000 đồng/kg; khóm loại 1 giá 6.000 đồng/kg, loại 2 giá 4.300 đồng/kg, loại 3 giá 3.000 đồng/kg.
Theo kế hoạch, công ty cần phát triển vùng trồng tối thiểu đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu của nhà máy Tanifood (500 tấn nguyên liệu/ngày). Do đó, diện tích cần trồng năm 2018 là 1.000 ha gồm xoài cát Chu, khóm Queen, thanh long ruột đỏ, mãng cầu xiêm, mít Thái (lá bàng), đu đủ đỏ… Riêng đối với các cây dài ngày chưa thu hoạch được ngay như xoài, mãng cầu xiêm… công ty thu mua nguyên liệu từ các địa phương khác ngoài Tây Ninh.
Ðến nay, diện tích vùng trồng thực tế của công ty chỉ mới được 124/1.000 ha. Ông Dũng chia sẻ, việc phát triển vùng trồng của công ty còn gặp nhiều khó khăn về mặt pháp lý và giá cả thu mua. Cụ thể, có một số vùng đất đã được quy hoạch để trồng mía hoặc cao su.
Ðể đầu tư vùng nguyên liệu, công ty cần thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất cho phù hợp với cây trồng mới, mất khá nhiều thời gian. Ðồng thời, hiện nay, nông dân chưa đồng ý với giá thu mua bao tiêu của công ty.
Ông Dũng cho rằng một bộ phận nông dân so sánh giá bán cho nhà máy với giá thị trường nên chưa "mặn mà" ký hợp đồng bao tiêu. Trong khi đó, nếu thấy được lợi ích lâu dài và bền vững từ việc hợp tác với nhà máy, giá tiêu thụ trước mắt không phải là vấn đề quan trọng.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.