Đó là một trong những quy định tại Dự thảo Luật Chăn nuôi, theo đó, chỉ được sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi nhằm mục đích trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh và phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non khi có kê đơn của bác sĩ thú y.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm, quản lý hiệu quả chất lượng thức ăn chăn nuôi, dự thảo luật cũng quy định thức ăn thương mại phải có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; được sản xuất tại cơ sở đủ điều kiện; phải được công bố sản phẩm trên Cổng thông tin của Bộ NNPTNT.
Theo Dự thảo Luật Chăn nuôi, việc dùng kháng sinh cho vật nuôi phải theo đơn của bác sĩ thú y. Ảnh: I.T
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định quản lý đối với từng loại thức ăn chăn nuôi: Đậm đặc, hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn bổ sung, theo tập quán và nguyên liệu đơn; bổ sung quy định về sử dụng phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp hoặc thực phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng cho người sang làm nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỷ lệ lên đến 91%.
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT), việc sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản sẽ dẫn đến khả năng tồn dư hóa chất trong thực phẩm. Lượng tồn dư này khó loại bỏ trong quá trình chế biến, nếu tích tụ sau một thời gian sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đơn cử như kháng sinh Chloramphenicol trước đây là kháng sinh đặc trị nhiều loại bệnh nhiễm khuẩn nhưng sau đó bị cấm vì tác dụng phụ gây ức chế sự hoạt động của tủy xương dẫn đến thiếu máu và suy tủy, ngoài ra thuốc này còn có khả năng gây ra hội chứng xanh xám ở trẻ sơ sinh. Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh có thể làm xuất hiện các chủng kháng thuốc (nhờn thuốc) nên khi điều trị bệnh cho người sẽ không có hiệu quả.
Tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của con người và làm rối loạn hệ vi sinh đường ruột. Nguyên nhân là do khả năng kháng thuốc của các dòng vi khuẩn gây bệnh ở động vật cũng có khả năng lan truyền sang người và khi con người bị nhiễm bệnh sẽ làm cho khả năng chữa trị khó và phức tạp.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không quản lý và nâng cao kiến thức sử dụng thì kháng sinh sẽ tràn lan trên thị trường, được sử dụng tùy tiện, bừa bãi. Khi đó, những loại kháng sinh đắt tiền cũng sẽ không có hiệu quả, tạo thành gánh nặng cho ngành y tế, cho cộng đồng.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.