Theo một số doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, việc giá heo tăng và người nuôi rục rịch tái đàn chỉ mang lại lợi nhuận cho "đại gia – hoa hậu" của ngành chăn nuôi, chính là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và trại nuôi gia công.
Sau tăng phi mã, giá heo hạ nhiệt
Gần một tuần nay, tại nhiều địa phương ghi nhận việc giá heo có dấu hiệu hạ nhiệt, sau khi tăng như "lên đồng", khó kiểm soát từ cách đây một vài tháng. Ngày 23.8, tại nhiều địa phương, giá heo hơi đã xuống dưới ngưỡng 50.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận, giá heo hơi tại Hưng Yên giảm thêm 500 đồng, xuống 51.500 - 52.000 đồng/kg. Tại Hà Nam, thủ phủ nuôi heo miền Bắc, giá heo hơi giảm khoảng 1.000 đồng, xuống 50.000 - 50.500 đồng/kg, cao nhất có thể lên đến 51.000 đồng. Tại Bắc Ninh, giá heo cũng xuống còn 50.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định đồng loạt giảm 1.000 đồng, tại Phú Thọ đạt 49.000 đồng/kg; Thái Nguyên và Nam Định còn 51.000 đồng. Tại Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc giá heo đạt khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg.
Giá heo hơi đang có dấu hiệu giảm nhiệt. Ảnh: I.T.
Tại miền Trung, Tây Nguyên giá heo có biến động nhẹ. Cụ thể, Quảng Trị và Quảng Nam là hai địa phương có giá heo hơi giảm trong ngày hôm nay, với mức giảm là 1.000 đồng, xuống lần lượt 52.000 đồng và 47.000 đồng/kg.
Các địa phương khác giá heo hơi không biến động, khu vực Bắc Trung Bộ duy trì trên ngưỡng 50.000 đồng/kg; khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng.
Trong khi đó, tại các tỉnh phía Nam, giá heo hơi tại An Giang và Bến Tre đồng loạt giảm 1.000 đồng, xuống lần lượt 51.000 đồng và 49.000 đồng/kg.
Tại Bình Dương, giá heo hơi cũng báo giảm còn 49.000 đồng/kg. Các địa phương khác, giá heo hơi duy trì ổn định, với các tỉnh trọng điểm như Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau ... Vẫn đạt mức 50.000 - 51.000 đồng/kg; Tiền Giang đạt 52.000 đồng.
Một thương lái chuyên thu mua heo ở khu vực tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, giá heo sẽ duy trì ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg trong thời gian dài sắp tới, sẽ khó có thể giảm sâu. Dù giá heo có giảm so với tháng trước nhưng với mức giá này, nông dân vẫn có lãi khá, từ 1,5 – 2 triệu đồng/con.
Ai được lợi?
Một câu hỏi đặt ra là, trong đợt tăng giá heo này, ai là người được lợi? Và câu trả lời có thể dễ dàng nhận thấy là: chỉ có các doanh nghiệp FDI và các trại nuôi gia công có đủ nguồn lực chống chọi qua đợt giá giảm sâu kéo dài giờ mới được hưởng thành quả. Còn các trại nuôi nhỏ lẻ phần lớn đã "hấp hối", không thể vực dậy sau cơn bão giá quét qua.
Người nuôi nhỏ lẻ không dám tái đàn ồ ạt do nguồn lực đã cạn. Ảnh: I.T
Ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thành (Thường Tín, Hà Nội), một doanh nghiệp tư nhân có trên 20 năm tham gia lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi cho biết, trong đợt tăng giá vừa rồi, lượng heo trong dân không còn nhiều, chỉ có các trại gia công của các doanh nghiệp FDI là còn số lượng heo tương đối lớn.
Ông Chữ cũng cho biết, hiện các trại đang rục rịch tái đàn nhưng cũng chủ yếu là trại lớn, nuôi gia công cho các doanh nghiệp FDI.
"Có thể ví doanh nghiệp FDI và trại gia công giống như đại gia – hoa hậu của ngành vậy. Có tiềm lực nên họ chống chọi tốt qua bão giá, giờ chỉ việc ngồi hưởng thành quả. Khi tái đàn, cũng chỉ những trại nuôi gia công mới dám đầu tư lớn, mà những trại này chỉ sử dụng thức ăn chăn nuôi của những doanh nghiệp đầu tư cho họ, những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi không bao giờ đến lượt" – ông Chữ nêu một thực tế.
Cũng theo ông Chữ, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ trong nước chưa cần đấu đã không thể thắng được doanh nghiệp FDI giàu tiềm lực, lại nhận được không ít ưu đãi đầu tư, chính vì vậy, trong cuộc chiến giành thị phần, họ đành phải tìm các thị trường ngách.
"Các nông hộ liên kết với chúng tôi vừa trải qua cơn sóng gió, đang cần hà hơi, thổi ngạt mới có thể vực dậy nên đợt này dù muốn tái đàn cũng khó. Vốn đã cạn, trong khi ngân hàng cũng không tin tưởng để bơm vốn" – ông Chữ nói.
Chính vì vậy, dù giá thức ăn chăn nuôi hiện tại đã tăng hơn 10% so với trước nhưng sản lượng bán ra của doanh nghiệp ông Chữ không tăng đột biến do những trại nhỏ lẻ - là khách hàng thường xuyên của doanh nghiệp – không dám tái đàn ồ ạt.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.