Tuesday, June 19, 2018

Hạ giá thành sản phẩm: Vấn đề 'sống còn' của chăn nuôi

Đối với ngành chăn nuôi Việt Nam hạ giá thành sản xuất là vấn đề sống còn, dù là ở thời điểm giá cả thị trường lên cao hay xuống thấp; và nhất là trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Năng suất thấp – Giá thành cao – Cạnh tranh kém
Theo Cục Chăn nuôi, nhiều thách thức vô cùng lớn đang đặt ra với ngành chăn nuôi, trước hết là giá thành sản xuất. Các năm qua, giá thành chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn các nước ngay trong khu vực. Đơn cử như giai đoạn từ 2015 – 2017, giá lợn cao hơn 25 – 35%, giá gia cầm cao hơn 15%, giá trứng hơn 12 – 17%.
Chỉ có hạ giá thành, chăn nuôi Việt Nam mới có thể trụ vững trước "sóng" hội nhập"
Chỉ có hạ giá thành, chăn nuôi Việt Nam mới có thể trụ vững trước "sóng" hội nhập
Giá thành chăn nuôi cao chủ yếu do năng suất chăn nuôi Việt Nam còn thấp, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ở nước ta, năng suất đàn lợn nái chỉ đạt 17 – 18 con cai sữa/nái/năm.
Trong khi đó, các nước trên thế giới như Mỹ, Đan Mạch đạt từ 24 – 26 con/nái/năm. Hiện nay, năng suất đàn bò sữa của nước ta đã đạt 5,4 – 5,5 tấn/chu kì sữa. Khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ có giá thành chăn nuôi cao nhất.
Còn ở khu vực chăn nuôi trang trại, công nghiệp năng suất và chi phí chăn nuôi của Việt Nam ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực, như nuôi lợn trong trong 155 ngày đạt trên 100kg/con; chi phí thức ăn 2,5kg /kg tăng trọng; gà công nghiệp thời gian nuôi 42 ngày, khối lượng 2,5kg, chi phí thức ăn 1,58kg/kg tăng trọng, năng suất gà trứng 285-290 quả/chu kì, chi phí thức ăn 150gam/quả; năng suất sữa bình quân toàn đàn 5.500kg/con/chu kỳ, nhiều nơi đạt trên 7.000 con/chu kỳ.
Giảm giá thành chăn nuôi: Phải là việc làm thường xuyên
Trước đây, khi giá heo và gà xuất chuồng cao, người nuôi có lãi lớn nên họ chưa thật sự quan tâm đến giá thành. Nhưng khi xảy ra bão giá, đây là vấn đề sống còn của các nông hộ, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Đông Nam bộ, xác nhận phần lớn trang trại quy mô lớn trong hiệp hội đã đầu tư hệ thống chuồng lạnh với vốn đầu tư lên đến 5 tỉ đồng/chuồng 20.000 con.
Hệ thống chuồng này được tự động hóa các công đoạn cung cấp thức ăn, vệ sinh, nhiệt độ… nên giá thành chăn nuôi giảm đáng kể, hiện không thua kém các nước trong khu vực.
Để giảm giá thành chăn nuôi lợn hơi xuống dưới 26.000 đồng/kg, ông Lê Quang Thành, Công ty Thái Dương đã tiên phong trong cuộc cách mạng sinh học về giống và thức ăn cho chăn nuôi, gắn nghiên cứu với đầu tư công nghệ 4.0, để trở thành đơn vị đầu tiên sản xuất TĂCN lên men hoàn toàn tự động hóa.
Công nghệ lên men và sản xuất thức ăn dạng lỏng giúp nâng cao sức khỏe và khả năng tiêu hóa thức ăn, thay thế hoàn toàn tình trạng kháng sinh trộn trong thức ăn, tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Công nghệ này giúp giảm giá thành 20-30%, tạo nguồn thức ăn chủ động trong nước, bảo đảm chất lượng thịt ngon, an toàn. Ngoài ra, ông Thành còn mua công nghệ quản lý giá trị huyết thống, giá trị Index, quản lý chương trình vacxin, là cơ sở truy xuất nguồn gốc,…
Ông Võ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn cho biết: Công ty có hệ thống khép kín từ con giống đến giết mổ, phân phối nhưng thời gian qua, công ty vẫn phải tập trung cao độ tìm mọi biện pháp để hạ giá thành chăn nuôi.
Công ty phải tìm nguồn nguyên liệu phù hợp, đủ dinh dưỡng với giá thành tốt. Bên cạnh đó, phải tăng năng suất lao động, giảm tỉ lệ thất thoát, chăm sóc gia súc, gia cầm tốt hơn. Tỉ lệ heo nái đẻ ra phải được nuôi dưỡng tốt…
Nhờ vậy, công ty đã giảm giá thành chăn nuôi heo từ 39.000 đồng/kg còn 34.000 đồng/kg. Theo ông Thiệu, dù giá thành chăn nuôi đã giảm nhưng công ty vẫn phải quyết liệt hơn nữa để giảm giá thành còn 31.000-32.000 đồng/kg, nếu không sẽ khó cạnh tranh.
Doanh nghiệp FDI cũng phải tiết giảm chi phí
Không chỉ doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi lên kế hoạch chăn nuôi tại Việt Nam cũng đưa ra giá thành khá cao, vì họ cho rằng với thị trường Việt Nam, đó là mức hợp lý.
Đến khi giá heo và gà xuống thấp, có cả ê-kíp lãnh đạo doanh nghiệp FDI bị khiển trách, thậm chí cách chức. Ban lãnh đạo tập đoàn của họ từ nước ngoài phải sang Việt Nam để thiết lập lại hệ thống chăn nuôi, đặc biệt là kéo giá thành sản phẩm xuống mức hợp lý.
Các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua cũng đã quyết liệt trong việc tái cơ cấu, kéo giảm giá thành nuôi heo còn 32.000-34.000 đồng/kg.
Đại diện Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nhận định trước tình hình giá cả bất lợi như hiện nay buộc doanh nghiệp phải chấn chỉnh lại hoạt động chăn nuôi theo hướng tiết giảm chi phí sản xuất.
Theo đó, rà soát lại các khâu, bộ phận nào không hiệu quả thì cắt giảm hoặc sắp xếp lại; quản lý lại vấn đề thuốc men, chuồng trại. Nhờ vậy, sau một năm chấn chỉnh, giá thành chăn nuôi của doanh nghiệp này đã giảm 10%-20%.
Tiến sỹ Dr. Bob Thaler, Trường Đại học Bang South Dakota (Mỹ) cho rằng, không có "viên đạn thần" để giảm giá thành chăn nuôi mà phải thực hiện bằng nhiều cách: giảm chi phí thức ăn, tăng hiệu quả thức ăn/tăng trọng, tăng năng suất và tăng cường quản lý.
Giảm giá thức ăn bằng cách: Mua nguyên liệu rẻ hơn để thay thế; Đánh giá chương trình cho ăn: Bao gồm cả những thứ mà bạn cần. Giá thức ăn/tấn so với chi phí thức ăn/heo bán. Càng cho ăn nhiều giai đoạn, càng đáp ứng chính xác hơn nhu cầu dinh dưỡng của vật nuôi.
Thay đổi khẩu phần các giai đoạn chỉ đơn giản là thay đổi tỷ lệ khô đậu nành và ngô (có thể cả vitamins & khoáng). Thường chỉ cho ăn 2 giai đoạn heo choai và 3 giai đoạn heo vỗ béo. Tiết kiệm chi phí thức ăn 5-10%.
Cần sử dụng Ngân sách thức ăn (Feed Budget). DDGS là nguồn cung cấp protein/amino acid cho dinh dưỡng gia súc, cũng là nguồn cung cấp năng lượng, phospho tuyệt vời. Mặt khác, DDGS cũng có nhiều lợi thế về giá, cũng là gợi ý cho các nhà chăn nuôi.

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.