Góp ý về dự án Luật Chăn nuôi, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung kỹ các quy định về chăn nuôi trong khu dân cư, kiểm soát việc sử dụng thức ăn chăn nuôi, tránh tồn dư kháng sinh cũng như giải thích từ ngữ trong luật sao cho người dân dễ hiểu.
Phát biểu góp ý về dự án Luật Chăn nuôi, ĐB Mai Sỹ Diến nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành luật. Thông qua báo cáo tổng kết thực hiện pháp lệnh và các văn bản pháp quy về lĩnh vực chăn nuôi cho thấy, Pháp lệnh Giống vật nuôi hiện nay mới điều chỉnh khoảng 10% lĩnh vực chăn nuôi, còn 90% lĩnh vực sản xuất, chăn nuôi khác đang cần có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, như việc ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và hội nhập quốc tế rất cao.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong chăn nuôi còn yếu kém,thiếu chế tài đăng ký chăn nuôi để có số lượng thống kê chính xác, dẫn đến có thời điểm phải tổ chức giải cứu. Ảnh: quochoi
Vấn đề chăn nuôi trong khu dân cư, chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường đang là nỗi bức xúc của nhân dân, trong khi khâu quản lý của nhà nước đang gặp khó khăn, tốn kém ngân sách trong khắc phục, xử lý.
Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát việc sử dụng kháng sinh, chất cấm trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN) cũng còn hạn chế. Việc kiểm tra, phát hiện cũng thiếu kịp thời dẫn đến người tiêu dùng hàng ngày phải dùng những thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, phát sinh bệnh tật.
Trong chăn nuôi có những thời kỳ phải tổ chức giải cứu bởi cung vượt quá cầu đã cho thấy tính dự báo thị trường còn hạn chế. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có nguyên nhân năng lực của các cơ quan nhà nước yếu kém, có việc thiếu chế tài đăng ký chăn nuôi để có số lượng thống kê chính xác.
"Một điều cần hết sức quan tâm là trong tiến trình hội nhập, người nước ngoài họ rất sợ phương pháp giết mổ thủ công ở nước ta. Do vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội thảo luận và ban hành Luật Chăn nuôi là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi trong thời gian tới"- ĐB Mai Sỹ Diến nhấn mạnh.
Góp ý về dự án Luật này, ĐB Diến cho rằng: "Cần giải thích thêm từ ngữ ở khoản 11 Điều 3 "gia súc là các loài vật nuôi gồm trâu, bò, ngựa, lợn, dê, cừu, thỏ", vậy còn chó, mèo có phải là gia súc không? Theo Từ điển bách khoa thì gia súc là loài động vật có vú được nuôi thuần hóa trong gia đình. Như vậy, tôi đề nghị bổ sung chó, mèo là đối tượng gia súc".
Chăn nuôi chó tại nhà của một hộ gia đình ở huyện Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: I.T
Tiếp đó, góp ý về Điều 34 quy định về nguyên tắc quản lý TĂCN chứa kháng sinh, ĐB Mai Sỹ Diến cho rằng: "Tôi thấy việc sử dụng kháng sinh trong TĂCN nhằm phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là với loại hình chăn nuôi trang trại, công nghiệp đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Cơ sở sản xuất TĂCN có quy định, ký hiệu riêng và gọi là thức ăn thuốc. Tuy giải trình của các cơ quan chức năng cho rằng nhóm các thức ăn an toàn sẽ được quản lý theo ngưỡng cho phép trên cơ sở các quy định về quản lý thuốc thú y hiện hành, vừa đáp ứng yêu cầu phòng, trị bệnh cho vật nuôi, vừa giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro do kháng sinh gây ra với sức khỏe con người, vật nuôi và môi trường.
Nhưng tôi thấy rằng, các nước trên thế giới sử dụng thức ăn, thuốc vì họ kiểm soát được nhờ có ngành chăn nuôi tập trung và giết mổ tập trung theo phương pháp công nghiệp. Việc lý giải quản lý nhà nước trong điều kiện chăn nuôi ở nước ta chỉ phù hợp với việc chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại và giết mổ tập trung".
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.