Gặp gỡ nữ kỹ sư xinh đẹp - chủ nhân vườn dưa lưới
Cô gái Mai Khương xinh đẹp trong vườn dưa lưới công nghệ cao của mình |
Vườn dưa lưới 1.000m2 được đầu tư ở phường Mỹ Hòa, trồng theo công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP của chị Nguyễn Thị Mai Khương đang làm giới trẻ mê mẩn và canh đến thời điểm gần thu hoạch để có được những bức ảnh độc, lạ.
Dự án do chị Nguyễn Thị Mai Khương làm chủ nhiệm và được triển khai từ tháng 1-2018, đầu tư hơn 540 triệu đồng với mục tiêu là sản xuất dưa lưới Taki đạt năng suất 3.200 kg/vụ/1.000m2; quy trình sản xuất thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP... Dự án có tổng nguồn vốn gần 540 triệu đồng, trong đó được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ 237 triệu đồng (30%), UBND TP. Long Xuyên hỗ trợ 100 triệu đồng (20%) và phần còn lại là vốn của gia đình chị Mai Khương.
Thu hoach dưa lưới tại vườn công nghệ cao |
Với diện tích 1.000m2 nhà lưới và gieo trồng 2.200 gốc dưa, sau 80 ngày, giống dưa Taki của Nhật Bản đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 3,7 - 4 tấn. Chị Khương cho biết, sản phẩm được đơn vị phối hợp (Công ty TNHH MTV nông nghiệp công nghệ cao Trang trại Việt-TP. Hồ Chí Minh) bao tiêu sản phẩm với giá 30.000 đồng/kg. Ngoài ra chị còn bán lẻ giá 55.000 đồng/kg
Dự án khi đi vào hoạt động đã góp phần cung cấp sản phẩm có giá trị, chất lượng cho thị trường, từ đó mang lại giá trị kinh tế lớn cho chủ đầu tư. Với mùa vụ đầu tiên trồng thử nghiệm thành công, chị Khương tiếp tục trồng vụ 2 giống dưa lưới nhập từ Nhật Bản trên 2.600 cây dưa lưới Taki. Tổng doanh thu cho mùa vụ đầu đạt 120 triệu đồng, đợt 2 đạt hơn 110 triệu đồng. Chị tính toán: mô hình này đạt lợi nhuận ròng trên 33%/năm và thu hồi vốn trong 2,8 năm. Với hiệu quả bước đầu chị đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dưa lưới 2.000m2.
Để sản phẩm đứng vững trên thị trường, có thương hiệu, bên cạnh sản xuất dưa đạt chất lượng, chị Khương đã đăng ký thương hiệu dưa lưới Giving's Farm với Cục Sở hữu trí tuệ. "Mục tiêu của chị sử dụng tên Anh ngữ để sau này mở rộng diện tích đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài"-chị Khương cho biết.
Chị Khương cho biết, thấy vậy tôi đầu tư hơn 1.000m2 mở điểm cho khách tham quan vườn dưa, ăn uống vui chơi. Tùy vào thời điểm, ban đầu không thu tiền vé tham quan của khách mà chỉ tính tiền khi khách mua dưa về nhà, với mức giá từ 55.000 đồng/kg trở lên. Sau, lượng khách đông quá chị thu vé 30.000 đồng/người (gồm vé tham quan nhà màng trồng dưa lưới và ăn thử dưa lưới tại vườn hoặc thưởng thức 1 ly nước bạc hà chanh, bạc hà sữa, hoặc đá bào).
Điểm đến du lịch mới lạ tại tỉnh An Giang
Đến với vườn dưa, khách tha hồ tham quan, chụp ảnh và được thưởng thức dưa tại chỗ, uống nước bạc hà thanh mát. Qua thực tế cho thấy, mô hình sản xuất trong điều kiện nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo quy trình VietGAP, nông dân có thể sản xuất 4 vụ/năm, năng suất trung bình đạt 3,5 - 4 tấn/vụ/1.000m2, đem lại lợi nhuận cho người trồng trên 30%/năm. Đây là điều kiện lý tưởng để mô hình này tiếp tục được đầu tư, mở rộng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020”.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của chị Nguyễn Thị Mai Khương thu hút khá đông khách tham quan. |
Mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản trong nhà màng như của chị Khương góp phần tạo mọi điều kiện cho nông dân trong tỉnh tiếp cận ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Đó còn là kết quả thời gian qua, UBND tỉnh An Giang đã ban hành nhiều chủ trương hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ đến nông dân, hướng tới mục tiêu đưa nông nghiệp An Giang phát triển bền vững. Dự án sản xuất thử nghiệm “Ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất dưa lưới Taki tại TP. Long Xuyên” được triển khai thực hiện là một điển hình.