Trước giá tôm xuống thấp gần đây, nhiều hộ dân ở tỉnh Bạc Liêu quyết định giãn vụ hoặc "treo ao" chờ giá.
Gần đây mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, bán thâm canh đang bị "bóp" lại diện tích. Ảnh minh họa: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN
Ông Trần Út Em, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết, trước giá tôm xuống thấp nhiều tháng qua, gia đình quyết định "cắt lỗ' bằng cách giãn vụ nuôi, "treo ao".
Với diện tích 1,2ha, quy hoạch thành 7 ao nuôi theo mô hình thâm canh, bán thâm canh, nhưng với giá tôm xuống thấp, gia đình chỉ thả nuôi 4 ao, 3 ao còn lại bỏ trống.
Ông Em cho biết thêm, mặc dù 4 ao đã thả nuôi nhưng cũng giản vụ ra, thả lần lượt từng ao, cách nhau nhiều ngày nhằm tránh thu hoạch cùng lúc, đề phòng thương ái ép giá.
Cùng suy nghĩ trên, ông Ngô Quốc Hùng, xã Long Điền Đông A, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, do vụ vừa rồi giá bán tôm quá thấp, nên quyết định giãn vụ nuôi với hi vọng chờ giá tăng trở lại.
Tuy nhiên, hiện tại giá tôm trên thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi, người nuôi vô cùng lo lắng.
Theo người nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu, ngoài diện tích nuôi tôm quảng canh được duy trì, thả nuôi điều độ, gần đây mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, bán thâm canh đang bị "bóp" lại diện tích, bởi với giá tôm hiện tại người nuôi không có lãi cao.
Qua ghi nhận, hiện có khoảng 50% diện tích nuôi tôm theo mô hình trên đang "treo ao" hoặc chuyển sang nuôi tôm sú.
Qua ghi nhận, hiện giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu giảm trung bình từ 20.000- 30.000 đồng/kg so với 3 tháng trước đó.
Cụ thể, tôm thẻ loại 100 con/kg có giá 72.000 đồng, loại 70 con giá 92.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con giá 140.000 đồng/kg, loại 30 con giá 170.000 đồng/kg...
Khi giá tôm giảm, người dân khó tiêu thụ sản phẩm, vì thương lái tìm mọi cách ép giá, không ít hộ phải bán tháo "gỡ" lỗ.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, trên địa bàn còn khoảng 8.000 ha nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh, bán thâm canh đã cải tạo xong nhưng chưa thả nuôi.
Trong khi giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, nhưng giá vật tư, thức ăn, thuốc thủy sản không giảm, chi phí đầu tư nuôi 1 tấn tôm thẻ lên đến 65 triệu đồng.
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi tôm, nhưng cái khó hiện nay, tiến độ triển khai thực hiện theo chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản còn chậm, quy mô nhỏ, chưa bền vững; thị trường luôn biến động trong khi chưa dự báo được thị trường để khuyến cáo người nuôi chọn đối tượng nuôi và thời điểm thu hoạch...
Nhằm ổn định sản xuất cho nghề nuôi tôm, tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người nuôi tôm hết sức bình tĩnh; hạn chế sản xuất chạy theo phong trào và có kế hoạch sản xuất phù hợp, chọn thời điểm nuôi hợp lý, đón đầu thị trường...
Điều đáng mừng hơn, theo nhận định Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ tôm của các nước sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, chậm nhất là đầu quí III /2018, kéo theo đó là giá tôm nguyên liệu trong nước sẽ tăng trở lại./.
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.