Theo Bloomberg, ông Biden cần định hình lại chính sách thương mại của Mỹ theo hướng giải phóng hoạt động thương mại với đồng minh như EU và các đối tác tiềm năng như Việt Nam, song cần tiếp tục đẩy lùi tham vọng vượt lên dẫn đầu của Bắc Kinh.
Nếu Đảng Dân chủ không giành được quyền kiểm soát Thượng viện, Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ khá chật vật khi thực hiện các thay đổi chính sách sâu rộng.
Tuy nhiên, quyền lực hành pháp của tổng thống Mỹ đã mở rộng đến mức mà ông Biden có thể đạt được tiến bộ trên một số mặt trận mà không cần cái gật đầu đồng ý của Đảng Cộng hòa.
Bloomberg nhận định, một trong các lĩnh vực hứa hẹn nhất mà ông Biden có thể tác động chính là thương mại. Ông sẽ có quyền đảo ngược nhiều chính sách tiêu cực của chính quyền Tổng thống Trump để tăng cường quan hệ thương mại với các đồng minh và đồng minh tiềm năng, đồng thời duy trì ưu thế về công nghệ với Trung Quốc.
Gỡ bỏ thuế quan trừng phạt đối với đồng minh
Theo Bloomberg, đầu tiên ông Biden nên dỡ bỏ toàn bộ thuế quan đang áp dụng đối với các nước phát triển như Canada, Nhật Bản cũng như châu Âu. Hiện tại, thuế quan của ông Trump với các quốc gia/khu vực trên đang gây ra một cuộc chiến ăn miếng trả miếng nguy hiểm và hoàn toàn phản tác dụng.
Hoạt động thương mại của Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Canada không phải là mối đe dọa với công nhân Mỹ, vì các nước/khối kinh tế này cũng có mức lương cao, các biện pháp bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ lao động nghiêm ngặt.
Hơn nữa, EU, Nhật Bản hay Canada cũng không đe dọa đến ưu thế công nghệ của Mỹ vì họ đều tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Cuối cùng, EU, Nhật Bản và Canada là đồng minh của Mỹ và là nhân tố quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc.
Nhìn chung, Bloomberg nhận thấy không có lí do gì để Mỹ duy trì thuế quan với các nước trên và ông Biden nên ngay lập tức loại bỏ chúng khi luật pháp cho phép.
Tái gia nhập TPP
Động thái gây tranh cãi hơn sẽ là tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một trong các thành viên tích cực nhất.
Rút khỏi TPP là một trong các bước đi chính sách đầu tiên của ông Trump khi nhậm chức vào năm 2017. Ngay cả Thượng nghị sĩ Bernie Sanders - người thường xuyên nặng lời chỉ trích ông Trump - cũng đồng ý với ông Trump về việc không gia nhập TPP.
Song, nhờ nỗ lực của các nhà lãnh đạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà đến nay hiệp định TPP vẫn còn tồn tại, liên tục được cải tiến và luôn chờ đợi Mỹ quay lại. Tổng thống đắc cử Joe Biden không thể phê chuẩn TPP nếu không có cái gật đầu của Quốc hội, tuy nhiên ông có thể tham gia đàm phán trở lại.
Ngoài vấp phải phản ứng trái chiều đối với ý tưởng tự do thương mại, TPP bị lưỡng đảng Mỹ phản đối vì hai lí do. Đầu tiên, TPP có chứa các điều khoản về sở hữu trí tuệ khá phức tạp, song hiện đã bị loại bỏ.
Thứ hai, TPP có một số thành viên như Việt Nam. Nước ta đang công nghiệp hóa nhanh chóng và trong vài năm qua đã trở thành điểm thu hút đầu tư nước với chi phí lao động thấp. Trải nghiệm của Mỹ với Trung Quốc trong thập niên 2000 khiến một số người e ngại về việc mở cửa quan hệ thương mại với Việt Nam.
Dù công chúng Mỹ có một số lo ngại như thế, Tổng thống Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức khác lại phát đi tín hiệu tích cực về quan hệ thương mại song phương Mỹ - Việt Nam.
Hồi tháng 7, nhân kỉ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, ông Trump và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi thư chia sẻ tầm nhìn chung. Trong thư, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục mở rộng Quan hệ Đối tác Toàn diện, đảm bảo thương mại và đầu tư thông thoáng, công bằng và có qua có lại,...
Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng bình luận: "Tương tác hàng ngày giữa hai nước được thể hiện thông qua mối quan hệ thương mại và đầu tư ngày càng thắt chặt, hợp tác chiến lược về nhân đạo và các vấn đề chiến tranh còn sót lại,...".
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ là đối tác quan trọng của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Cuối tháng 3 năm nay, truyền thông quốc tế đưa tin "Bộ tứ kim cương" (QUAD) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã chính thức mời thêm ba nước khác là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand tham gia thảo luận cách thức liên kết chuỗi cung ứng.
Nguyên nhân là đại dịch COVID-19 đã phơi bày mặt trái của nền kinh tế thế giới khi phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Theo Bloomberg, nếu Washington hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế bằng cách xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ và các nước châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc, sức mạnh của Trung Quốc có thể bị kiềm chế phần nào. Bloomberg cũng đưa ra lập luận tương tự nếu Indonesia gia nhập TPP.
Dù thường bị đánh giá thấp nhưng địa chính trị cũng là một lí do để Mỹ tái gia nhập TPP. Theo lí giải của Bloomberg, hiệp định TPP đang tạo ra một khối thương mại lớn gồm các quốc gia châu Á xoay trục về phía Mỹ thay vì Trung Quốc.
Đối chọi Trung Quốc
Khía cạnh cuối cùng trong chính sách thương mại của ông Biden là Trung Quốc. Các chuyên gia dự đoán, chính sách Trung Quốc của ông Biden cũng sẽ cứng rắn như của chính quyền ông Trump, thậm chí là mạnh bạo hơn. Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc nhìn chung khó tránh khỏi kịch bản tranh chấp về địa chính trị.
Khác ông Trump, Tổng thống đắc cử Biden có ý định đối đầu với Trung Quốc bằng cách khôi phục ưu thế công nghệ và sức mạnh kinh tế của Mỹ, cũng như thông qua phương án hợp tác cùng các đồng minh khác. TPP nên là một phần trong chiến lược này.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Biden cũng đòi hỏi Mỹ phải kiềm chế sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, mà cạnh tranh công nghệ lại là một điểm trọng yếu trong cuộc chiến thương mại của ông Trump. Do đó, ông Biden nên tiếp tục cuộc tranh giành ưu thế công nghệ mà ông Trump khơi mào.
Cũng vì vậy mà ông Biden nên tiếp tục chống lại sự thống trị của Huawei Technologies trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng viễn thông toàn cầu. Ông nên tiếp tục đánh giá kĩ càng các khoản đầu tư của Trung Quốc thông qua Ủy ban Đầu tư Nước ngoài (CFIUS) và gây áp lực buộc Trung Quốc phải hạn chế hoạt động gián điệp công nghệ.
Ở khía cạnh thuế quan trừng phạt với Trung Quốc, vấn đề khó xử trí hơn. Theo Bloomberg, ông Biden nên loại bỏ thuế quan đối với các nguyên liệu đầu vào trung gian mà các nhà sản xuất Mỹ mua từ Trung Quốc, vì điều này chỉ làm tăng chi phí sản xuất tại Mỹ và cuối cùng gây tổn hại cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế số một thế giới.
Tuy nhiên, thuế quan đối với hàng thành phẩm của Trung Quốc (đặc biệt là hàng hóa có thương hiệu và giá trị cao) nên được giữ nguyên. Washington dưới thời ông Biden có thể sử dụng các mức thuế quan này để buộc Trung Quốc tăng giá đồng nội tệ.
Tóm lại, ông Biden có thể sử dụng quyền lực hành pháp để xác định hướng đi mới cho nước Mỹ ở phạm trù thương mại. Thời đại tự do thương mại trong quá khứ đã kết thúc, nhưng cuộc chiến thương mại hỗn loạn của ông Trump không phải là con đường Mỹ nên đi.